Mã Đà – Một vùng đất chưa biết điện, đầy khó khăn và gian khổ

Theo chân hành trình “Mã Đà – Kết nối yêu thương” vào ngày 24/05/2014 chúng tôi có dịp ghé về thăm Mã Đà thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Mã Đà là một vùng xa xôi hẻo lánh, từ đường lớn chúng tôi phải băng qua một chặng đường rừng hơn 10 km, con đường đất nhỏ, nằm ngoằn nghèo và đầy hiểm trở.

IMG_0540

Khi vào sâu bên trong, không còn thấy tín hiệu sóng điện thoại, cảm giác như chúng tôi đang bị cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, khung cảnh xung quanh chỉ toàn cây cối, rừng rậm, một bầu không gian hoang dại và bí hiểm bao trùm…

Vùng đất Mã Đà chào đón chúng tôi bằng cái không khí tiêu điều, thiếu sức sống, vài căn nhà thưa thớt, vài túp lều tranh tạm bợ,…cuộc sống như trôi thật chậm, thật chậm mà không biết đến khi nào mới có được một luồng sức sống mới thổi vào. Phải chăng nó đã bị bỏ quên quá lâu hay đang dần bị rơi vào quên lãng?

IMG_0545

Dừng chân tại trường THCS Mã Đà phân hiệu C3 – là địa điểm đoàn chúng tôi phát quà cho các em thiếu nhi & hộ nghèo ở đây.

25

Điều đập vào mắt chúng tôi đầu tiên đó là một ngôi trường bé nhỏ, chỉ vài ba phòng học với cơ sở vật chất còn đơn sơ và nhiều thiếu thốn. Đoàn đến nơi khoảng 9h30 sáng, các em đã đứng đợi chúng tôi trước cổng trường, những khuôn mặt ngây thơ lấm lem khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi vừa đặt chân xuống xe.

29

Nhìn các em chúng tôi cảm thấy xót xa bởi những khuôn mặt trong sáng kia nên được học tập trong một môi trường với những điều kiện tốt hơn, các em xứng đáng được mặc những bộ đồng phục thật đẹp để cắp sách đến trường.
Ngay cả việc vui chơi giải trí lành mạnh với các em cũng là một điều hết sức xa xỉ khi mà cái ăn, cái mặc còn chưa đủ thì còn nghĩ gì đến những thứ khác?

“Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”

50

Các em học sinh ở Mã Đà

Trong cuộc trao đổi ngắn với cô Hiệu trưởng và chú Thu – Trưởng ấp, chúng tôi được biết Mã Đà có bảy ấp, trong đó ấp 3 và ấp 4 là hai ấp khó khăn nhất xã, ấp 4 gồm khu C3 và khu Suối Thượng, nơi chúng tôi đang có mặt là khu C3. Hiện tại ở đây cuộc sống của bà con khá khó khăn, số hộ nghèo lên tới 2/3 tổng số dân, riêng ở ấp 4 còn hơn 1000 người chưa có hộ khẩu nên nhiều em đến tuổi đi học mà vẫn chưa có giấy khai sinh. Cuộc sống, tương lai của những đứa trẻ này sẽ ra sao khi không được cắp sách đến trường?
Chị Loan, mới 24 tuổi, có 4 người con đang sống ở làng bè bảo: “Con của tôi đến tuổi đi học rồi mà không thể đến trường vì không có hộ khẩu. Xin làm giấy tờ mà người ta không cho, bảo là phải xác nhận cái gì đó mà chúng tôi có biết gì đâu mà làm. Mà ở đây, mấy chục hộ dân cũng không ai biết chữ nên đành cho con ở nhà luôn. Kệ chứ biết sao giờ, sau này chúng lớn lên cũng đi đánh bắt cá để sống, chứ biết làm chi đây”. Làng chài này, trung bình mỗi hộ có đến 6, 7 người ở. Con cái nheo nhóc, có đứa 8 tuổi phải theo cha đi đánh cá, mẹ mới sanh em bé nên ở nhà chăm em. Không có cơ sở sinh sống, đánh bắt cá ngày có ngày không vậy mà người dân ở đây vẫn sanh con đều đều. Người dân dám đánh cược tính mạng khi “ở nhà sinh, sinh riết rồi quen chứ tiền đâu mà đi trạm. Đi tốn tiền, tiền đâu mà đi”, một bà cụ nói.
Ở Mã Đà này, nếu đến đây, ta sẽ thấy hàng loạt bất cập xảy ra. Thử hỏi, người dạy chữ không có, người tuyên truyền không có thì người dân làm sao biết được vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản; làm sao biết phải dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt. Mà theo họ nói thì thấy thương họ hơn: “Đẻ nhiều để sau này chúng đi bắt cá về nuôi mình. Nuôi chúng không tốn nhiều đâu, chỉ ăn cá, ăn rau thôi. Có gạo thì nấu cháo, không gạo thì ăn cái gì tìm kiếm được”. Đa phần người dân ở đây không hiểu được, sanh con như thế thì con chịu thiệt thòi gì? họ có được tiếp cận thông tin đâu mà biết cho được?
Nghe mà xót xa trong lòng. Điều quan trọng bây giờ là chúng ta sẽ cùng chung tay để cải thiện cuộc sống của người dân nơi đây, nâng cao dân trí và tạo mọi mọi điều kiện thuận lợi cho những hộ vô gia cư có hộ khẩu, có căn nhà che nắng che mưa để con của họ được cắp sách đến trường, được đến với con chữ, nâng cao nhận thức sớm thoát khỏi cái đói cái nghèo…
Những món quà bé nhỏ mà chúng tôi mang đến là  niềm hạnh phúc to lớn với bà con nơi đây, nhìn những nụ cười của các em, nhìn niềm vui của bà con mà chúng tôi cảm thấy ấm lòng, chí ít chúng tôi cũng đã làm được gì đó cho mảnh đất khô cằn này.

IMG_0738

Các em học sinh đang xếp hàng nhận quà

72

Niềm vui mà đoàn từ thiện mang đến cho bà con nơi đây, những tiếng cười quên đi nỗi cơ cực hàng ngày!

Sau khi phát quà cho gần 200 em học sinh và 50 hộ nghèo, Đoàn tiến hành khảo sát các hộ nghèo gần khu vực hồ Trị An. Trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà tạm bợ, trôi nổi trên hồ, những đứa trẻ đã quen với cuộc sống sông nước, chúng tôi bắt gặp vài em trên những chiếc ghe nhỏ xíu giữa lòng hồ, làn da các em rám nắng, thân hình gầy guộc, khuôn mặt hốc hác… Các em đã phải lao mình vào cuộc sống để kiếm miếng cơm manh áo. Cha mẹ của các em sống một cuộc sống tạm bợ, bất định và thiếu thốn, thu nhập chủ yếu từ việc đánh bắt cá trên hồ Trị An, nên việc chăm lo cho con cái học hành không được quan tâm. Nhìn những số phận đáng thương ấy chúng tôi cảm thấy khóe mắt mình cay cay, xót xa đến lạ lùng và không ngừng trăn trở trong suy nghĩ: Ở đâu đó ngoài kia còn có biết bao nhiêu người đang rất cần những vòng tay nhân ái cùng chung tay san sẻ yêu thương!

IMG_8061

Những căn nhà tạm bợ của bà con trên hồ Trị An

Hiện tại ở Mã Đà, ngoài việc không có điện thì ở đây cũng không có nước sạch phục vụ cho sinh hoạt; nghe kể lại nhiều lần voi trong rừng về phá hại hết vườn xoài của bà con gây thiệt hại nghiêm trọng, đã nghèo còn nghèo hơn, đã khổ nay còn khổ hơn. Điều đáng thương nhất là những đứa trẻ vô tội cũng phải chịu chung số phận với cha mẹ chúng, khi mà chúng được sinh ra đã không có quyền lựa chọn. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với anh Đỗ Hoài Nam – Giám đốc kinh doanh của Vinalinks, anh tâm sự: “Cuộc sống người dân ở đây còn quá nhiều khó khăn, thiếu điện, thiếu nước, bà con chủ yếu đánh bắt cá để sống. Trẻ em phải đi học xa nhà nên bỏ học khá nhiều, toàn ấp tới nay chỉ có 4 em theo học cấp 3, đậu đại học chỉ có 1 em… Tôi thiết nghĩ sau chuyến đi này, chúng ta cần phải chung tay góp sức nhiều hơn để giúp đỡ bà con nơi đây vượt qua cái nghèo, cái khó, trước mắt là hỗ trợ họ có giếng nước sạch và có hệ thống năng lượng điện mặt trời”

toan-phat-qua

Đoàn từ thiện phát quà cho các hộ nghèo

Một ngày ở Mã Đà với những trải nghiệm đầy thú vị, nhiều cảm xúc đong đầy có cả nỗi niềm nghẹn ngào không nói lên lời, một sự đồng cảm lan tỏa trong suy nghĩ của tất cả các thành viên trong Đoàn, tại sao chúng tôi không đến với Mã Đà sớm hơn? Nhưng chắc chắn một điều rằng chúng tôi sẽ quay lại đây, sẽ giúp đỡ nhiều hơn cho bà con, sẽ chắp cánh ước mơ đến trường cho thế hệ trẻ thơ nơi đây, sẽ có những con đường mới, sẽ có ánh sáng, sẽ có những giếng nước sạch, những ngôi nhà kiên cố, những ngôi trường khang trang hơn… để làm được điều đó, không chỉ riêng một cá nhân mà sẽ là một tập thể, là một cộng đồng đoàn kết cùng chung tay góp sức. Chúng tôi kêu gọi các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân cùng giang rộng vòng tay nhân ái, cùng chúng tôi kết nối yêu thương trên hành trình  mang cuộc sống tươi mới, tốt đẹp hơn về với Mã Đà.

Bích Diệp – Phóng viên Vinalinks

Related Posts

Leave A Reply